NHÌN LẠI 2024! NHỮNG THAY ĐỔI VỀ DI TRÚ CANADA ĐÁNG CHÚ Ý
Năm 2024 là một năm đánh dấu nhiều thay đổi quan trọng trong chính sách di trú của Canada, tác động trực tiếp đến du học sinh và người nhập cư. Hãy cùng CCG Consulting nhìn lại những thay đổi nổi bật trong năm qua và xem chính sách nào ảnh hưởng lớn nhất đến bạn
1. Tăng yêu cầu chứng minh tài chính cho du học sinh quốc tế
Một trong những thay đổi lớn nhất trong chính sách du học là việc yêu cầu chứng minh tài chính tăng gấp đôi, lên 20.635 CAD. Du học sinh không chỉ cần GIC (Giấy chứng nhận đầu tư bảo đảm) mà còn phải bổ sung tài liệu chứng thực học tập từ tỉnh, bang hoặc vùng lãnh thổ mà trường họ theo học. Thay đổi này đặt ra tiêu chuẩn cao hơn, đặc biệt với các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ.
2. Ngừng chương trình SDS (Student Direct Stream)
Chương trình SDS, trước đây miễn chứng minh tài chính cho du học sinh từ một số quốc gia như Việt Nam, đã chính thức bị hủy bỏ. Từ nay, du học sinh phải cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ tài chính theo quy định, không chỉ GIC mà còn các tài liệu chứng minh nguồn tài chính khác, nhằm đảm bảo khả năng chi trả trong suốt quá trình học tập tại Canada.
3. Giới hạn số giấy phép du học mới mỗi năm
Canada đã đặt giới hạn đối với số lượng giấy phép du học mới hàng năm. Từ năm 2025, tổng số giấy phép du học sẽ không vượt quá 437.000, bao gồm cả bậc thạc sĩ và tiến sĩ, thay vì chỉ dành riêng cho bậc cử nhân như trước. Quy định này nhằm kiểm soát tốt hơn lượng sinh viên quốc tế nhập học, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng.
4. Siết chặt yêu cầu chuyển trường
Trước đây, du học sinh chỉ cần cập nhật thông tin khi chuyển trường, nhưng nay, họ bắt buộc phải xin giấy phép du học mới. Bên cạnh đó, các trường không đáp ứng yêu cầu của IRCC có thể bị đình chỉ tuyển sinh quốc tế trong tối đa một năm. Quy định này nhằm đảm bảo rằng du học sinh chuyển trường vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn học tập và tài chính.
5. Tăng số giờ làm thêm cho du học sinh
Từ năm 2024, du học sinh được phép làm thêm ngoài trường lên đến 24 giờ/tuần, tăng từ mức 20 giờ trước đây. Thời gian làm việc trong hoặc ngoài trường vào kỳ nghỉ vẫn không giới hạn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du học sinh cân bằng giữa học tập và công việc.
6. Yêu cầu chứng chỉ ngôn ngữ cho giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP)
Để đủ điều kiện xin giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP), du học sinh phải cung cấp thêm chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp với trình độ B2 đối với bậc đại học và B1 đối với cao đẳng. Đồng thời, các du học sinh tốt nghiệp từ các chương trình không thuộc bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ sẽ chỉ đủ điều kiện nếu học các ngành nằm trong danh sách do IRCC công bố.
7. Điều kiện cho vợ/chồng xin giấy phép lao động
Đối với vợ hoặc chồng của du học sinh thạc sĩ, điều kiện để xin giấy phép lao động đã được thắt chặt. Người đi học phải theo chương trình có thời gian đào tạo từ 16 tháng trở lên để vợ hoặc chồng đủ điều kiện xin giấy phép lao động, thay vì chỉ cần học thạc sĩ như trước đây.
8. Thắt chặt chính sách cấp visa du lịch
Từ ngày 6 tháng 11 năm 2024, quy trình xét duyệt visa du lịch của Canada đã trở nên nghiêm ngặt hơn. Thời gian xét duyệt ngắn hơn, khả năng chỉ được nhập cảnh một lần cũng được áp dụng, tương tự như các quy định cũ từ 20 năm trước. Thay đổi này nhằm giảm nguy cơ di cư không có mục đích rõ ràng.
9. Visa du lịch không được phép chuyển đổi sang giấy phép lao động (2024)
Một trong những thay đổi lớn nhất trong chính sách di trú là cấm việc chuyển đổi trực tiếp từ visa du lịch sang giấy phép lao động trong suốt thời gian lưu trú tại Canada. Người giữ visa du lịch giờ đây phải nộp đơn từ quốc gia của họ hoặc thông qua các chương trình di trú như Express Entry hoặc Provincial Nominee Program (PNP).
10. Loại bỏ hoạt động “flagpoling”
Hoạt động “flagpoling” – việc rời khỏi Canada và quay lại qua cửa khẩu biên giới để xử lý giấy tờ nhanh hơn – đã chính thức bị dừng vào ngày 23/12/2024. Người tạm trú giờ đây chỉ có thể nộp đơn trực tuyến khi muốn gia hạn hoặc xử lý giấy tờ khác liên quan đến thời gian lưu trú tại Canada.
11. Hủy bỏ điểm cộng cho lời mời làm việc dựa trên Đánh giá Tác động Thị trường Lao động (LMIA)
Từ mùa xuân 2025, chính phủ Canada sẽ hủy bỏ điểm cộng dành cho các lời mời làm việc dựa trên Đánh giá Tác động Thị trường Lao động (LMIA) trong hệ thống Express Entry. Thay đổi này ảnh hưởng lớn đến việc xin giấy phép lao động thông qua hệ thống này, giảm khả năng chọn lựa lao động ưu tiên.
Những thay đổi trên cho thấy năm 2024 là một năm biến động với nhiều điều chỉnh trong chính sách di trú của Canada. Vì vậy Đối với những ai có kế hoạch định cư tại Canada vào năm 2025, cần phải chuẩn bị kế hoạch thật chắc chắn và có hướng đi phù cho mình nhé!